Tin tức & Sự kiện

Tọa đàm và công bố cuộc thi Hòa giải thương mại Việt Nam (Vietnam Commercial Mediation Competition - VCMC 2024) tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng nay (06/6/2024), Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trung tâm Hoà giải Việt Nam thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) đã chính thức công bố cuộc thi Hoà giải thương mại Việt Nam (Vietnam Commercial Mediation Competition - VCMC 2024) và tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đào tạo về hòa giải thương mại tại Việt Nam và kinh nghiệm cho sinh viên tham gia các cuộc thi về hòa giải thương mại”.
Toàn cảnh chương trình
Tham dự Tọa đàm, về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có: PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; TS. Hoàng Xuân Trường - Trưởng khoa Luật; ThS. Vũ Trí Tuấn - Bí thư Đoàn Thanh niên. Về phía đại diện Trung tâm Hoà giải Việt Nam có: ông Phan Trọng Đạt - Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Về phía các diễn giả có PGS.TS Trần Văn Nam - Giảng viên cao cấp khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC; TS. Hà Công Anh Bảo - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương; PGS.TS Nguyễn Bá Bình - Trưởng khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC; bạn Bùi Ngọc Linh - Sinh viên khoa Luật Quốc tế, Học viên Ngoại giao; bạn Phạm Chiêu Minh - Sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo sinh viên của Trường.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân biểu dương những nỗ lực của Khoa Luật trong việc tạo nhiều sân chơi bổ ích cho sinh viên có cơ hội được nghiên cứu khoa học, thực hành nghề nghiệp tương lai như cuộc thi về hòa giải thương mại. PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh chủ đề của Tọa đàm “Đào tạo về hòa giải thương mại tại Việt Nam và kinh nghiệm cho sinh viên tham gia các cuộc thi về hòa giải thương mại” trong khuôn khổ cuộc thi Hoà giải thương mại Việt Nam - VCMC 2024 rất có ý nghĩa và có tính thời sự cao, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Toạ đàm sẽ tạo ra một diễn đàn mở để các chuyên gia, nhà khoa học, hoà giải viên, giảng viên và sinh viên cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan tới hoà giải thương mại tại Việt Nam.
Phó Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thành Hiếu cũng tin tưởng sự kiện hôm nay sẽ mở ra cơ hội, môi trường giao lưu, kết nối giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với các cơ sở đào tạo uy tín trên cả nước, mở đầu cho quá trình gắn kết xa hơn, sâu rộng hơn giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cụ thể là Khoa Luật với các cơ sở thực hành hoà giải như Trung tâm Hoà giải Việt Nam - VMC. “Đây cũng là yếu tố cần thiết tạo dựng môi trường rèn luyện kỹ năng thiết thực cho các em sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo của Nhà trường, phấn đấu nâng tầm cao mới trong giáo dục đào tạo không chỉ trong khu vực phía Bắc mà trên phạm vi cả nước” - PGS. Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh.
Ông Phan Trọng Đạt - Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) phát biểu
Như chúng ta đã biết, sự ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 22) gắn liền với quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam, khi các chính sách của Đảng và Nhà nước đều khuyến khích việc giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, tránh tình trạng quá tải cho hệ thống tòa án. Trong bối cảnh đó, Hoà giải thương mại đã trở thành phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, hiệu quả, tiết kiệm, được công nhận và bảo hộ bởi một khung pháp lý là Nghị định 22. Trong tương lai, cùng với quá trình hòa nhập vào cộng đồng Hoà giải thương mại quốc tế, khuôn khổ pháp lý dành riêng cho phương thức giải quyết tranh chấp này phải càng được hoàn thiện hơn, nâng cao uy tín và sự hiệu quả của Hoà giải thương mại cũng như nhận thức và niềm tin của xã hội về Hoà giải thương mại khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp.
Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận mở tại Tọa đàm
Ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 2003, thầy và trò Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã rất nỗ lực, phấn đấu để trở thành một trong những cơ sở đào tạo luật có chất lượng của Việt Nam, đạt được sự tin tưởng và hài lòng của nhà tuyển dụng... Đó là quá trình nỗ lực thường xuyên, liên tục trong sự nghiệp đào tạo Luật cho các thế hệ sinh viên. Điều này đã giúp thầy trò Khoa Luật gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng, có thể kể đến như: giải Nhì cuộc thi Hoà giải Thương mại quốc tế bằng tiếng Anh do Trường Đại học Luật Hà Nội đăng cai năm 2022; giải Nhì cuộc thi Hoà giải Thương mại 2023 tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM. Đây là những minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Với đội ngũ viên chức trẻ, tâm huyết và tích cực phấn đấu học tập nâng cao trình độ hiện nay, Khoa Luật đã dần khẳng định được bản lĩnh, chất lượng và uy tín đào tạo của mình.
Cuộc thi Hoà giải thương mại Việt Nam - VCMC 2024 được tổ chức với mục tiêu nâng cao chất lượng về đào tạo luật mà còn là hoạt động hữu ích trong việc gắn kết, chia sẻ giữa các cơ sở đào tạo luật trong cả nước, từ đó tạo nền tảng vững vàng trong việc hợp tác và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nằm trong khuôn khổ cuộc thi, Tọa đàm “Đào tạo về hòa giải thương mại tại Việt Nam và kinh nghiệm cho sinh viên tham gia các cuộc thi về hòa giải thương mại” có sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã chia sẻ về thực trạng đào tạo cũng như thảo luận về định hướng phát triển hòa giải thương mại tại các trường đại học và cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam. Thông tin chi tiết về Cuộc thi Hoà giải thương mại Việt Nam - VCMC 2024 đã được đăng tải trên fanpage của Cuộc thi VCMC cũng như trên trang fanpage của Khoa Luật - NEU và trên trang chủ của VMC để các đội thi đến từ nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước tiếp cận và hưởng ứng.
Một số hình ảnh tại chương trình:



Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?