Tin tức & Sự kiện

Phái đoàn giáo dục đại học Hoa Kỳ gặp gỡ các trường đại học Việt Nam

Sáng 01/4/2025, tại Đại học Kinh tế Quốc dân đã diễn ra cuộc gặp và làm việc giữa Phái đoàn giáo dục đại học Hoa Kỳ với đại diện một số trường đại học của Việt Nam.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác học thuật quốc tế (IAPP) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE) tổ chức, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2025).
Quang cảnh cuộc gặp giữa Phái đoàn giáo dục đại học Hoa Kỳ và các trường đại học Việt Nam
Tham dự chương trình, về đại biểu ngoài trường có: bà Mary Beth Polley - Tham tán Văn hóa - Giáo dục, Đại sứ quán Hoa Kỳ; ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT. Về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học; GS.TS Đỗ Thị Hải Hà - Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý Công; PGS.TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng trường Kinh doanh; TS. Đào Thanh Tùng - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; cùng hơn 40 lãnh đạo cấp cao từ 21 trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ và đại diện của 15 trường đại học của Việt Nam.
Bà Mary Beth Polley - Tham tán Văn hóa - Giáo dục, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu 
Phát biểu tại cuộc gặp, bà Mary Beth Polley - Tham tán Văn hóa - Giáo dục, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ, sau một ngày làm việc bận rộn, đầy ý nghĩa với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, Phái đoàn giáo dục Hoa Kỳ có cơ hội gặp gỡ, thảo luận cùng đại diện 15 trường đại học của Việt Nam, để cùng nhau tìm ra những phương thức hợp tác sáng tạo và đổi mới.
Theo bà Mary Beth Polley, hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ từ lâu đã được thúc đẩy thông qua một số chương trình, hai bên có nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác, dẫn đến sự thấu hiểu lẫn nhau ngày càng trở nên sâu sắc.
Phái đoàn giáo dục Mỹ sang Việt Nam lần này nhằm mục đích tìm hiểu hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi các chương trình đào tạo với các trường đại học Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ, khoa học, y tế...
“Việc tập trung hợp tác với các đối tác Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển rất năng động, coi trọng các giá trị giáo dục. Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội ngày hôm nay để triển khai các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, bà Mary Beth Polley nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu 
Tại buổi gặp mặt, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, nhóm trường đại học Hoa Kỳ đến Việt Nam lần này đều là những trường hàng đầu tại Hoa Kỳ, đất nước có chất lượng giáo dục tốt hàng đầu thế giới. Trong đó, nhiều trường có thế mạnh về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI). Dù là một trường đại học chuyên về kinh tế tài chính, nhưng trong quá trình phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đang có những sự chuyển dịch nhất định.
Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đang đầu tư để phát triển ngành đào tạo về công nghệ thông tin, chính vì vậy trường đánh giá cao cơ hội trao đổi để tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác với 21 trường đại học Hoa Kỳ sang Việt Nam lần này.
Chia sẻ về hướng hợp tác giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và các đại học Hoa Kỳ, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác trong giáo dục với nhiều nước, trong đó có Anh và mô hình này có thể áp dụng trong hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ trong tương lai. Cụ thể, theo mô hình hợp tác liên kết đào tạo hiện tại, có thể sẽ là mô hình 2+2 tức là 2 năm sinh viên học ở Việt Nam, 2 năm sinh viên học ở trường của nước liên kết đào tạo; hoặc 3+1, tức 03 năm ở Việt Nam và 01 năm ở trường của nước liên kết đào tạo. Ngoài ra, cũng có thể là mô hình 4+0, nhưng vẫn được chứng nhận và cấp bằng của nước ngoài.
Tuy nhiên trong tương lai, khi hệ thống công nghệ thông tin phát triển, có thể tính đến học trực tuyến với các trường Hoa Kỳ, giáo sư ở Hoa Kỳ nhưng dạy và tương tác trực tuyến với sinh viên tại Việt Nam. Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Thành Hiếu hy vọng sẽ có những trường ở Hoa Kỳ mở cơ sở tại Việt Nam và liên kết với trường Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, những ý tưởng trên nếu thành hiện thực sẽ giúp tăng cường thêm hợp tác về giáo dục đào tạo giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, làm vững chắc hơn trụ cột quan trọng của hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Chủ tịch danh dự Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), TS. Allan E.Goodman phát biểu
TS. Allan E. Goodman - Chủ tịch danh dự Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) chia sẻ, trong suốt 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giáo dục - đào tạo luôn được Hoa Kỳ và Việt Nam chú trọng, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương.
Hiện, Hoa Kỳ có hơn một triệu sinh viên quốc tế, trong đó có tới hơn 30.000 sinh viên đến từ Việt Nam. Việc kết nối các trường đại học hàng đầu của cả hai quốc gia sẽ mở ra những cơ hội mới trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy cho sinh viên và học giả tại cả hai nước.
Đề cập đến những thay đổi gần đây trong chính sách giáo dục của Hoa Kỳ, TS. Allan E.Goodman khẳng định, chính sách của Hoa Kỳ là luôn chào đón sinh viên quốc tế tới học tập và nghiên cứu, rằng chính sách đó đã, đang và sẽ tiếp tục được duy trì. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về thủ tục liên quan đến du học Mỹ, các sinh viên, nghiên cứu sinh đều có thể trao đổi thông tin thông qua cố vấn giáo dục tại Đại sứ quán Hoa Kỳ.   



Các đại biểu tham dự cuộc gặp và trao đổi
Hơn 40 lãnh đạo cấp cao từ 21 trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ và đại diện của 15 trường đại học Việt Nam đã tham gia buổi trao đổi tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là một phần trong khuôn khổ chuyến thăm của phái đoàn giáo dục đại học, đại diện cho các cơ sở giáo dục công lập và tư thục danh tiếng của Hoa Kỳ tại 17 bang, nhằm tìm hiểu hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, thông qua các cuộc gặp gỡ các bên liên quan trong chính phủ và khu vực tư nhân.
Một số hình ảnh trong khuôn khổ chương trình:







Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?