Tin tức & Sự kiện

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Thông báo tuyển sinh trình độ tiến sĩ năm 2020


Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo tuyển sinh trình độ tiến sĩ năm 2020 với các nội dung như sau:
Căn cứ Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/04/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy định tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được ban hành theo Quyết định số 2435/QĐ-ĐHKTQD ngày 16/10/2018 của Hiệu trưởng và Đề án thí điểm đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Anh được Hiệu trưởng phê duyệt ngày 16/08/2017, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo tuyển sinh trình độ tiến sĩ năm 2020 với các nội dung dưới đây.
1. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đào tạo trình độ tiến sĩ là nhằm đào tạo những nhà khoa học có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, để phát triển tri thức và giải quyết những vấn đề mới, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động chuyên môn trong khoa học kinh tế - xã hội.
2. THỜI GIAN VÀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO
Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ (kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh) là 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học và 3 năm học đối với người có bằng thạc sĩ.
Việc tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 2 năm đầu của chương trình đào tạo.
3. CHƯƠNG TRÌNH, CHỈ TIÊU VÀ NGÔN NGỮ ĐÀO TẠO
Tổng chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2020 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 100 nghiên cứu sinh. Trong đó:
3.1. Chương trình đào tạo tiến sĩ thông thường: tuyển sinh theo 26 chuyên ngành. Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy và học tập bằng tiếng Việt. Ngôn ngữ sử dụng trong viết và bảo vệ luận án tiến sĩ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
3.2. Chương trình đào tạo tiến sĩ thí điểm bằng tiếng Anh: chỉ tiêu tuyển sinh là 10 nghiên cứu sinh (trong tổng chỉ tiêu của Trường), theo 2 chuyên ngành Kinh tế học và Quản trị kinh doanh. Ngôn ngữ sử dụng trong học tập, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh, với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ cao hơn so với chương trình đào tạo tiến sĩ thông thường.
3.3. Chương trình đào tạo tiến sĩ dành cho người nước ngoài: dành riêng cho các nghiên cứu sinh là người nước ngoài (ưu tiên người quốc tịch Lào và Campuchia) có nhu cầu học tập và viết luận án bằng tiếng Anh. Chương trình tuyển sinh theo 26 chuyên ngành với nội dung chương trình tương tự chương trình đào tạo tiến sĩ thông thường. Việc tổ chức học tập đòi hỏi quy mô tối thiểu 3 nghiên cứu sinh mỗi chuyên ngành.
4. DANH MỤC CÁC CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ
Ngành (Mã số) STT Chuyên ngành
Kinh tế học (9310101) 1 Lịch sử kinh tế
  2 Kinh tế học
  3 Thống kê kinh tế
  4 Toán kinh tế
  5 Kinh tế học (đào tạo bằng tiếng Anh)
Kinh tế chính trị (9310102) 6 Kinh tế chính trị
Kinh tế đầu tư (9310104) 7 Kinh tế đầu tư
Kinh tế phát triển (9310105) 8 Kinh tế phát triển
Kinh tế quốc tế (9310106) 9 Kinh tế quốc tế
Kinh tế nông nghiệp (9620115) 10 Kinh tế nông nghiệp
Quản trị kinh doanh (9340101) 11 Marketing
  12 Quản trị kinh doanh (Khoa QTKD)
  13 Quản trị kinh doanh (Viện QTKD)
  14 Quản trị kinh doanh bất động sản
  15 Quản trị kinh doanh quốc tế
  16 Quản trị kinh doanh (đào tạo bằng tiếng Anh)
Kinh doanh thương mại (9340121) 17 Kinh tế và quản lý thương mại
Tài chính - Ngân hàng (9340201) 18 Tài chính - Ngân hàng
  19 Kinh tế bảo hiểm
Kế toán (9340301) 20 Kế toán, kiểm toán và phân tích
Quản trị nhân lực (9340404) 21 Kinh tế lao động
  22 Quản trị nhân lực
Hệ thống thông tin quản lý (9340405) 23 Hệ thống thông tin quản lý
Quản lý kinh tế (9340410) 24 Kinh tế du lịch
  25 Phân bố LLSX và phân vùng kinh tế
  26 Khoa học quản lý
  27 Quản lý công
Quản lý công nghiệp (9510601) 28 Quản lý công nghiệp
 
 
5. ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN
Người dự tuyển trình độ tiến sĩ phải có các điều kiện sau:
 
5.1. Có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển trình độ tiến sĩ.
Danh mục các chuyên ngành đại học và thạc sĩ được coi là phù hợp với chuyên ngành đào tạo tiến sĩ được quy định tại Bảng 1 - Phụ lục. Các bằng tốt nghiệp thuộc chuyên ngành không có trong danh mục này nhưng có chuyên môn gần với chuyên ngành đăng ký dự tuyển được Hội đồng Tuyển sinh xem xét cụ thể sau khi người dự tuyển nộp hồ sơ. Trong trường hợp người dự tuyển chưa có bằng thạc sĩ hoặc có bằng thạc sĩ phù hợp nhưng không thuộc chuyên ngành đúng với chuyên ngành dự tuyển trình độ tiến sĩ, thì người dự tuyển cần học bổ sung kiến thức trình độ thạc sĩ sau khi trúng tuyển.
Riêng chương trình đào tạo tiến sĩ bằng tiếng Anh tuyển nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ thuộc khối kinh tế, kinh doanh và quản lý, phù hợp với ngành đăng ký dự tuyển; hoặc có bằng thạc sĩ một số ngành khoa học khác được xếp loại tốt nghiệp từ khá trở lên (có điểm trung bình học tập từ 7,0 trở lên trên thang điểm 10 hoặc tương đương).
5.2. Là tác giả của 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu, đăng trên tạp chí khoa học có trong danh mục được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình (xem Bảng 2 - Phụ lục), hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế có mã số ISBN, trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
5.3. Có đề cương nghiên cứu (khoảng 3.000 từ), gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
  • Tên đề tài hoặc hướng nghiên cứu của người dự tuyển;
  • Họ và tên người hướng dẫn được đề xuất;
  • Lý do lựa chọn tên đề tài/hướng nghiên cứu;
  • Tổng quan công trình khoa học đã được công bố về đề tài hoặc hướng nghiên cứu được lựa chọn;
  • Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu;
  • Phương pháp nghiên cứu dự kiến thực hiện;
  • Dự kiến đóng góp của nghiên cứu;
  • Giới thiệu tóm tắt về mục tiêu và đóng góp của bài báo đã công bố của người dự tuyển theo quy định tại mục 5.2.
Đề cương nghiên cứu của người dự tuyển phải có xác nhận của người được đề xuất hướng dẫn. Người hướng dẫn được đề xuất phải nằm trong danh sách các nhà khoa học có thể nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh được nêu tại Bảng 3 - Phụ lục.
Đối với người dự tuyển theo chương trình đào tạo tiến sĩ bằng tiếng Anh, ngôn ngữ được sử dụng trong đề cương nghiên cứu là tiếng Anh.
 
5.4. Có thư giới thiệu của 01 nhà khoa học (có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực mà người dự tuyển dự định nghiên cứu) đánh giá phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và khả năng thực hiện nghiên cứu của người dự tuyển.
Thư giới thiệu phải có những nội dung sau:
a. Bối cảnh hợp tác hoạt động chuyên môn của người giới thiệu với người dự tuyển;
b. Các nhận xét, đánh giá của người giới thiệu về năng lực và phẩm chất của người dự tuyển (phẩm chất đạo đức, năng lực hoạt động chuyên môn, phương pháp làm việc, khả năng nghiên cứu, triển vọng phát triển về chuyên môn...).
 
5.5. Có văn bằng hoặc chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ, cụ thể như sau:
a. Người dự tuyển là công dân Việt Nam, đăng ký theo chương trình đào tạo tiến sĩ thông thường, phải có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ sau:
  • Bằng tốt nghiệp đại học trở lên do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh;
  • Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;
  • Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên, được cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển;
  • Bằng tốt nghiệp đại học trở lên do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập không phải là tiếng Anh; hoặc bằng tốt nghiệp đại học do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp với chuyên ngành ngôn ngữ nước ngoài không phải là tiếng Anh; hoặc chứng chỉ tiếng nước ngoài khác ở trình độ tương đương (xem Bảng 4 - Phụ lục) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Trong trường hợp này, người dự tuyển phải có thêm chứng chỉ trình độ tiếng Anh bậc 3/6 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (xem Bảng 5 - Phụ lục) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
b. Người dự tuyển là công dân Việt Nam, đăng ký theo chương trình đào tạo tiến sĩ bằng tiếng Anh, phải có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ sau
  • Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh.
  • Bằng thạc sĩ ngành ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Hà Nội hoặc một trường đại học ngoại ngữ trực thuộc đại học quốc gia hoặc đại học vùng.
  • Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 70 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên, được cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
  • Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên, được cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển. Trong trường hợp này, người dự tuyển cần bổ sung chứng chỉ TOEFL iBT từ 70 trở hoặc chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên trong vòng 6 tháng sau khi được tuyển vào chương trình.
c. Người dự tuyển là công dân nước ngoài
* Nếu đăng ký theo chương trình đào tạo tiến sĩ thông thường, thì phải có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ sau:
  • Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do một cơ sở đào tạo Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian tại Việt Nam;
  • Chứng chỉ trình độ tiếng Việt tối thiểu từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
* Nếu đăng ký theo chương trình đào tạo tiến sĩ dành cho người nước ngoài, thì cần đảm bảo điều kiện như quy định tại mục a.
* Nếu đăng ký theo chương trình đào tạo tiến sĩ bằng tiếng Anh, thì cần đảm bảo điều kiện như quy định tại mục b.
Lưu ý: Trong mục 5.5, chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT phải do IIG, IIE hoặc các trung tâm do ETS ủy quyền cấp; chứng chỉ IELTS phải là loại Academic Test do British Council hoặc IDP Australia hoặc University of Cambridge cấp.

5.6. Được giới thiệu dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ bởi cơ quan quản lý nhân sự (đối với người đã có việc làm) hoặc cơ sở đào tạo (nơi sinh viên vừa tốt nghiệp); hoặc được xác nhận nhân thân bởi chính quyền địa phương nơi cư trú (đối với người làm nghề tự do). Riêng người dự tuyển là công dân nước ngoài có thể được giới thiệu bởi cơ quan quản lý nhân sự, cơ sở đào tạo bậc đại học/thạc sĩ hoặc đại sứ quán.

6. HỒ SƠ DỰ TUYỂN TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ
6.1. Bộ giấy tờ để lưu tại Viện Đào tạo Sau đại học, mỗi loại 1 bản, xếp theo trật tự sau:
a. Phiếu đăng ký dự tuyển có xác nhận của đơn vị giới thiệu dự tuyển theo quy định tại mục 5.6 (có dán ảnh và đóng dấu giáp lai, theo mẫu M1)
b. Bản sao công chứng của các văn bằng, chứng chỉ sau đây:
  • Bằng và bảng điểm tốt nghiệp đại học
  • Bằng và bảng điểm thạc sĩ (không yêu cầu đối với người dự tuyển từ bậc đại học)
  • Bằng và bảng điểm tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài (nếu có)
  • Chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có)
Các bằng và bảng điểm đại học và thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch tiếng Việt và nộp kèm theo bản công chứng Văn bản Công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hướng dẫn quy trình, thủ tục công nhận văn bằng tại Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo: xem tại https://cnvb.wordpress.com/.
c. Bản gốc thư giới thiệu theo quy định tại mục 5.4 (theo mẫu M2).
d. Công văn giới thiệu dự tuyển của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định hiện hành về việc đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức) (tham khảo mẫu M3).
đ. Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ học tập, nghiên cứu và chế độ tài chính đối với quá trình đào tạo theo quy định (theo mẫu M4).
e. Bản gốc đề cương nghiên cứu của người dự tuyển theo quy định tại mục 5.3 (theo mẫu M5).
g. Bản sao (các) bài báo hoặc báo cáo khoa học của người dự tuyển. Lưu ý: 
  • Mỗi bài báo hoặc báo cáo khoa học cần được sao chụp trang bìa (tạp chí hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học), trang mục lục và nội dung bài viết.
  • Nếu có số bài báo hoặc báo cáo khoa học nhiều hơn quy định ở mục 5.2, thì người dự tuyển cần đóng thành tập và sắp xếp theo trật tự của bản kê khai danh mục ở trang bìa (theo mẫu M6), trong đó tách rõ phần chấm điểm theo quy định (1 bài báo hoặc báo cáo khoa học) và phần chấm điểm thưởng (gồm các bài còn lại).
h. Ảnh 3x4, nền trắng, ghi rõ họ tên và ngày sinh của người dự tuyển sau ảnh.
 
6.2. Bộ giấy tờ để gửi cho Tiểu ban chuyên môn xét tuyển, chia thành 3 tập, mỗi tập gồm 1 bản của các loại giấy tờ và được xếp theo trật tự sau: 
  • Một bản sao các loại văn bằng và chứng chỉ (là bản copy các văn bản ở mục 6.1.b)
  • Một bản sao thư giới thiệu (là bản copy thư giới thiệu ở mục 6.1.c)
  • Một bản sao đề cương nghiên cứu (là bản copy đề cương nghiên cứu ở mục 6.1.e)
  • Một bản sao (các) bài báo hoặc báo cáo khoa học (như hướng dẫn ở mục 6.1.g)
6.3. Cách thức nộp hồ sơ
Người dự tuyển tự tải các mẫu giấy tờ theo đường link và hoàn thành hồ sơ dự tuyển theo hướng dẫn tại mục 6.1 và 6.2.
Việc nộp hồ sơ dự tuyển trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hai bước:
Bước 1. Khai hồ sơ trên phần mềm
- Người dự tuyển truy cập phần mềm theo địa chỉ: http://qldt.neu.edu.vn/tuyensinh > Vào Mục Nghiên cứu sinh - Hồ sơ dự tuyển online.
- Người dự tuyển nhập dữ liệu được yêu cầu (lưu ý dấu * hiển thị tại những mục bắt buộc phải nhập dữ liệu). Ảnh cần tải lên phần mềm là ảnh 3x4 của người dự tuyển, phải giống với ảnh gửi kèm trong hồ sơ (bản giấy).
- Sau khi nhập dữ liệu, người dự tuyển có thể tự xuất Phiếu đăng ký dự tuyển (mẫu M1) với đầy đủ thông tin.
- Thời gian khai hồ sơ trên phần mềm: từ ngày 01/03/2020 đến trước ngày nộp hồ sơ bản giấy.
Bước 2. Nộp hồ sơ (bản giấy)
- Hồ sơ chỉ được nhận khi có đủ các giấy tờ và được sắp xếp theo hướng dẫn ở mục 6.1 và 6.2. Khi nộp hồ sơ, người dự tuyển mang theo các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
- Thời gian nộp hồ sơ: buổi sáng từ 8h30 - 11h30; buổi chiều từ 14h00 - 17h00, theo 2 đợt:
     + Đợt 1 (xét tuyển cuối tháng 5/2020): từ ngày 20/04/2020 đến ngày 24/04/2020
     + Đợt 2 (xét tuyển giữa tháng 9/2020): từ ngày 17/08/2020 đến ngày 21/08/2020
- Địa điểm nộp hồ sơ: Viện Đào tạo Sau đại học, P412 Nhà A1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 207 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Lệ phí thụ lý hồ sơ và xét tuyển: 1.200.000 đồng.
7. CÁCH THỨC XÉT TUYỂN
7.1. Hình thức xét tuyển

Tiểu ban chuyên môn đánh giá người dự tuyển đào tạo tiến sĩ theo thang điểm 100, bao gồm hồ sơ dự tuyển (60 điểm) và trình bày đề cương nghiên cứu (40 điểm). Người dự tuyển được xếp loại đạt nếu phần hồ sơ đạt từ 30 điểm trở lên và phần trình bày đạt từ 20 điểm trở lên.
7.2. Đánh giá hồ sơ dự tuyển, bao gồm các nội dung:
  • Điểm đánh giá văn bằng và kết quả đào tạo dựa trên mức độ uy tín của cơ sở đào tạo, điểm trung bình học tập, điểm luận văn thạc sĩ (nếu có);
  • Điểm đánh giá trình độ ngoại ngữ dựa trên văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ của người dự tuyển;
  • Điểm đánh giá dựa trên uy tín khoa học, sự gần gũi về chuyên môn của người giới thiệu đối với người dự tuyển và ý kiến nhận xét và ủng hộ người dự tuyển trong thư giới thiệu;
  • Điểm đánh giá bài báo khoa học dựa trên mức độ uy tín của tạp chí đăng bài, sự phù hợp với hướng và chuyên ngành đăng ký của người dự tuyển và chất lượng bài viết;
  • Điểm đánh giá chất lượng đề cương nghiên cứu dựa trên sự thuyết phục về lý do lựa chọn đề tài, mức độ sâu sắc và bao quát của phần tổng quan các nghiên cứu có liên quan, tính khoa học thể hiện trong việc xác định mục tiêu, phương pháp nghiên cứu, văn phong trình bày rõ ràng, phù hợp.
7.3. Đánh giá phần trình bày đề cương nghiên cứu
Người dự tuyển trình bày về đề cương nghiên cứu trước tiểu ban chuyên môn xét tuyển. Tiểu ban chuyên môn đặt các câu hỏi để đánh giá người dự tuyển về các mặt:
  • Kiến thức: Sự am hiểu của người dự tuyển về vấn đề dự định nghiên cứu, về bản chất và yêu cầu của hoạt động nghiên cứu.
  • Tư chất và thái độ cần có của một nghiên cứu sinh: bao gồm khả năng tư duy phân tích tổng hợp, thái độ nghiêm túc, tự tin và quyết tâm cao, có tính sáng tạo, trung thực, kỷ luật…
8. THỜI GIAN XÉT TUYỂN VÀ GỬI GIẤY BÁO
8.1. Kỳ xét tuyển nghiên cứu sinh dự kiến được tổ chức theo 2 đợt: Đợt 1 từ 25-29/5/2020; Đợt 2 từ 14-18/9/2020
8.2. Thời gian gửi thông báo dự tuyển (qua thư điện tử): ít nhất 7 ngày trước ngày xét tuyển.
8.3. Thời gian công bố kết quả xét tuyển: trong tháng 6/2020 đối với Đợt 1; trong tháng 9/2020 đối với Đợt 2.
8.4. Thời gian gửi giấy báo nhập học và khai giảng (qua thư điện tử và đường bưu điện theo địa chỉ người dự tuyển đã đăng ký trong hồ sơ): tháng 10/2020.
9. THÔNG TIN TRA CỨU VÀ LIÊN HỆ
9.1. Thông tin tra cứu
9.2. Thông tin liên hệ về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ
VIỆN ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
Địa chỉ:            P412 Tầng 4, Tòa nhà A1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
                         207 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Số điện thoại:   Tổng đài:  (024) 36 280 280, máy lẻ: 5414, 5415, 5412
Cổng thông tin: https://neu.edu.vn/
Website Viện:   http://sdh.neu.edu.vn/
Email:               phd@neu.edu.vn
Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?