Tin tức & Sự kiện

Tọa đàm Đối thoại chính sách “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”

Để giảm thiểu tác động từ các mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Việt Nam cần hướng đến các mục tiêu như giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế...
Đó là những giải pháp chiến lược nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam thích ứng hiệu quả với những thay đổi trong chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ trong bối cảnh mới được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng nay (ngày 8/5/2025).
Quang cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu Bộ ban ngành, cơ quan trung ương có: PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; ông Bùi Xuân Dự - Vụ trưởng Vụ Thư ký Biên tập, Văn phòng Chính phủ; ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương; TS. Trần Kim Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; ông Vũ Đức Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương; ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Về phía các chuyên gia có: PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng; TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; PGS.TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Lê Phương Hòa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương; PGS.TS Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương; TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả; TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương; bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế; ông Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách...; cùng gần 200 đại biểu, các nhà khoa học, các cơ quan trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước; các viện nghiên cứu, trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh; các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp...
Về phía các diễn giả chính có: TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính; PGS.TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính.
Về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học; GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; cùng đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; lãnh đạo các đơn vị, bộ môn và đông đảo cán bộ giảng viên, sinh viên trong toàn Đại học.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định chính sách thuế quan mới của Mỹ không chỉ gây nên nhiều tác động đến các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Anh, Liên minh châu Âu (EU)... mà còn đến nhiều quốc gia tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, cùng với thặng dư thương mại với thị trường này tương đương hơn 20% GDP, thì việc Mỹ áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ tác động sâu rộng đến hoạt động xuất nhập khẩu, gây áp lực lớn lên cán cân thương mại và ảnh hưởng trực tiếp đến các động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế.
"Dù kết quả ra sao, đây là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, phát triển bền vững và gia tăng khả năng chống chịu trước các bất ổn toàn cầu", Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.
PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính trình bày tham luận “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ - đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế và các giải pháp thích ứng”
Để giảm thiểu tác động từ các mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ, PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Cách tiếp cận của Việt Nam cần hướng đến các mục tiêu như giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế; chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo PGS.TS Phan Hữu Nghị, các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị đàm phán và thích ứng cần triển khai trước khi rủi ro trở thành hiện thực để bảo vệ doanh nghiệp và giữ vững chuỗi cung ứng FDI, tránh những phát sinh mới hậu đàm phán thuế đối ứng với Mỹ nhưng lại phát sinh đàm phán xem xét lại danh mục hàng hóa với các đối tác hàng đầu khác như Trung Quốc, EU, Nhật Bản. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng chính sách để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Ngoài ra, cần rà soát lại các tác động về nguồn thu thuế, chuyển giao công nghệ, ảnh hưởng môi trường của các tập đoàn, công ty đa quốc gia tại Việt Nam để thu hút FDI có chọn lọc. Việt Nam cũng cần xây dựng bền vững kinh tế địa phương bằng cách đầu tư vào hạ tầng, đào tạo lao động tại chỗ, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và gắn kết cộng đồng tại địa phương để tạo nên một nền kinh tế có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.
TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính trình bày tham luận “Tác động của thuế đối ứng của Hoa Kỳ đến các ngành sản xuất và khu vực doanh nghiệp Việt Nam”
Cùng với những tác động trên, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế và Chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính cũng đã đi sâu phân tích chi tiết về tác động cụ thể đến các ngành nghề như: dệt may, da giày; ngành điện tử; ngành đồ gỗ; ngành thủy sản; tác động tới thu hút FDI.
Theo đó, ngành dệt may, da giày phụ thuộc rất cao vào thị trường Mỹ, do vậy, tác động tiêu cực là rất lớn khi xuất khẩu giảm mạnh, số lượng lao động bị ảnh hưởng.
Đối với ngành điện tử (gồm cả máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và điện thoại di động), mặc dù một số mặt hàng điện tử cụ thể (điện thoại thông minh, máy tính, chip) đã được miễn trừ khỏi thuế đối ứng trong một sắc lệnh điều chỉnh nhưng mối đe dọa về các loại thuế mới đối với chất bán dẫn trong tương lai vẫn còn hiện hữu, tạo ra sự không chắc chắn cho ngành.
Trong khi đó, ngành đồ gỗ là phụ thuộc đặc biệt cao. Về lâu dài, Việt Nam có nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh như Mexico và Indonesia nếu mức thuế cao được duy trì.
Đối với ngành thuỷ sản, Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 2 đối với thủy sản Việt Nam, do vậy, ngành này có nguy cơ đối mặt với việc các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ chuyển sang các nhà cung cấp từ các quốc gia khác như Thái Lan.
Đặc biệt, việc áp thuế đối ứng sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút vốn FDI khi giảm sức hấp dẫn của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ chuyển hướng nguồn vốn sang các quốc gia như Mexico, Ấn Độ, hoặc Indonesia.
PGS.TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận “Điều chỉnh chính sách thương mại Việt Nam trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với Việt Nam”
Đề cập đến việc điều chỉnh chính sách thương mại Việt Nam trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng, PGS.TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam cần rà soát lại nhóm hàng xuất siêu sang Hoa Kỳ và đàm phán làm giảm áp lực về thuế vào nhóm hàng này. Nhóm các mặt hàng của khối doanh nghiệp FDI xuất siêu cần rà soát chính sách về thuế, ưu đãi thuế với các ảnh hưởng từ việc áp đặt thuế mới; kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài đội lốt xuất siêu sang Hoa Kỳ, còn lại sẽ đảm bảo những ưu đãi về thuế đã cam kết và chia sẻ gánh nặng thuế nếu có thể...
Với nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất siêu như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, thủy sản... cần phân tích rõ chuỗi giá trị Việt Nam được hưởng lợi với giá trị thuế mới. Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với tầm nhìn dài hạn, xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư.
Trong tương lai, nhiều ngành nghề và dịch vụ đơn giản sẽ bị loại bỏ do việc chuyển đổi số và công nghệ robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)... Vì vậy, nên đề xuất chọn công nghệ bán dẫn, AI, phần mềm, kinh tế số, hạt nhân, vật liệu mới... để mở cửa cho doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn...; chú trọng thu hút FDI bằng nhân lực chất lượng cao, bằng sự minh bạch, công bằng để cải thiện vị thế tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
PGS.TS Tạ Văn Lợi cũng đề cập một số giải pháp thích ứng khác như: Việc khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển; thay đổi cách tiếp cận về quan hệ thương mại, đầu tư từ thế bị động sang chủ động và cần có sự cân bằng cả hai chiều sẽ đạt lợi ích tối ưu hơn.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân và PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương điều hành phiên thảo luận mở tại Tọa đàm
GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân trả lời phỏng vấn bên lề Tọa đàm
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Tọa đàm, GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất một số giải pháp ứng phó. Theo đó, GS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh, đã đến lúc phải thực hiện chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế, thay vì dựa vào các nguồn lực từ thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đầy biến động và trong bối cảnh về kỷ nguyên mới với trật tự thế giới mới, tự do thương mại không còn nữa, thì chúng ta cần phải dựa vào nguồn nội tại ở trong nước là khu vực kinh tế tư nhân.
Một số giải pháp ứng phó trong đó, GS. Tô Trung Thành cho rằng, thứ nhất phải xóa bỏ mọi cản trở để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế kinh tế. Thứ hai, có những giải pháp để tận dụng được khu vực FTA để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thứ ba, định vị lại, thay đổi cấu trúc chuỗi sản xuất, thu hút FDI chất lượng cao. Hỗ trợ để khu vực kinh tế tư nhân bước vào chuỗi sản xuất toàn cầu để đảm bảo giá trị gia tăng tốt hơn. Tức là chúng ta cần phải đẩy mạnh tái cấu trúc, tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Thứ tư, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số để tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững. Thứ năm, cần lưu ý là các chính sách hiện nay, đặc biệt là chính sách tiền tệ cần rất thận trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế, và ưu tiên phát triển hệ thống tài chính lành mạnh.








Các chuyên gia kinh tế, các đại biểu trao đổi và thảo luận tại Tọa đàm
Cũng tại Toạ đàm, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách đã trao đổi, phân tích bản chất, tác động và đề xuất các giải pháp chiến lược phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam thích ứng hiệu quả đối với những thay đổi trong chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ trong bối cảnh mới.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:









Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Tọa đàm:
Truyền hình Hà Nội: Thuế quan Mỹ gây áp lực cho tỷ giá của Việt Nam
Lao động: Giữ thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa
Nhân dân: Tái cấu trúc kinh tế để gia tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc
Vneconomy: Chủ động tìm giải pháp chiến lược trước chính sách thuế quan của Mỹ
CafeF: Chuyên gia: Đây là thời cơ để Việt Nam tái cấu trúc lại nền kinh tế
Tạp chí Tài chính: Đối sách “khôn ngoan” trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ
TTXVN: Tọa đàm Thuế đối ứng của Hoa Kỳ - Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam
Báo Tin tức: Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam
Giảm thiểu tác động từ mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Chính sách & Cuộc sống (TTXVN): Tọa đàm Thuế đối ứng của Hoa Kỳ - Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam
Thời báo Ngân hàng: Tăng cường nội lực để ứng phó với ảnh hưởng thuế quan
Báo Sài Gòn giải phóng: Tái cấu trúc nền kinh tế để tăng khả năng chống chịu các “cú sốc” từ bên ngoài
Báo Pháp luật TP. HCM: Tọa đàm Thuế đối ứng của Hoa Kỳ - Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam
Kinh tế đô thị: Chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ
Tạp chí Tài chính - Doanh nghiệp: Chính sách thuế quan của Mỹ: Cơ hội tái định vị chiến lược phát triển
Vnbusiness: Doanh nghiệp 'hối hả' chạy đơn hàng trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ
Thị trường tài chính tiền tệ: Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam
Tạp chí Thương gia: Đối mặt “bão thuế quan” Mỹ: Doanh nghiệp xuất khẩu “ngồi trên lửa”, nội địa cũng “khó thở”
Người đưa tin: Thuế đối ứng Mỹ: Thời cơ để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế tự chủ
Người quan sát: Thuế Mỹ đe dọa hàng chục tỷ USD xuất khẩu và cả dòng vốn FDI: Đã đến lúc Việt Nam 'lột xác' chuỗi cung ứng?
Nhà Đầu tư: Đề xuất rà soát chính sách thuế với các doanh nghiệp FDI xuất siêu sang Mỹ
Báo Đầu thầu: Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ: Chuyển hóa thách thức thành động lực cải cách
Tạp chí Nhà quản trị: Đàm phán thương mại với Mỹ về thuế đối ứng, Việt Nam cần lưu ý gì?

Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?