Tin tức & Sự kiện

Diễn đàn kết nối kinh doanh “Việt Nam - Belarus: các khả năng hợp tác mới của đối tác kinh tế chiến lược” trên nền tảng trực tuyến

Chiều ngày 27/8/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông qua Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội cùng Viện Thương mại & Kinh tế Quốc tế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Belarus đã tổ chức Diễn đàn kết nối kinh doanh “Việt Nam - Belarus: các khả năng hợp tác mới của đối tác kinh tế chiến lược” trên nền tảng trực tuyến.

Toàn cảnh diễn đàn
Tham dự tọa đàm có ông Denis Vladimirovich - Phó Chủ tịch Phòng TMCN Belarus, ông Vladimir Anatolievich -  Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CH Belarus tại Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Phượng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Belarus; ông Nguyễn Tuấn Hải - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế Phòng TMCN Việt Nam. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện TM&KTQT; PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; cùng đại diện Bộ Công thương, Sở công thương một số tỉnh, đại diện lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Belarus và hơn 100 doanh nghiệp hai nước tham dự trên nền tảng trực tuyến.
PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc diễn đàn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Phạm Hồng Chương chào mừng các đại biểu tham dự diễn đàn và cảm ơn Phòng TMCN Belarus đã đồng hành cùng Nhà trường trong việc tổ chức diễn đàn trực tuyến dành cho giới doanh nghiệp hai nước. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hai nước đều gặp phải những khó khăn do đại dịch Covid-19, diễn đàn là cầu nối nhằm tìm cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, kết nối cung cầu giữa hai nước, cùng với đó tìm kiếm các chiến lược phục hồi và phát triển tiếp quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Belarus. PGS.TS Phạm Hồng Chương hi vọng diễn đàn sẽ mở ra cho các doanh nghiệp hai nước những khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm những dự án đầu tư có triển vọng, đồng thời nhấn mạnh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn sẵn sàng đồng hành cùng Phòng TMCN Belarus và các doanh nghiệp hai nước trong việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương vì lợi ích của các doanh nghiệp và lợi ích giữa 2 quốc gia.
Trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Belarus được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng kể. Nhiều dự án đã được triển khai như dự án xây dựng nhà máy sữa ở Việt Nam với nguyên liệu được nhập khẩu từ Belarus; dự án lắp ráp xe buýt tại Việt Nam, vận hành nhà máy MAZ về lắp ráp xe tải hạng nhẹ ở Hưng Yên. Về thương mại, năm 2019 tổng kim ngạch XNK đạt 211 triệu USD, trong đó kim ngạch XK và nhập khẩu gần như tương đương nhau. Sự cân bằng thương mại lần đầu tiên đạt được sau nhiều năm quan hệ thương mại. Nền kinh tế Việt Nam và Belarus mang tính bổ sung cho nhau. Các doanh nghiệp Belarus quan tâm tới việc nhập khẩu từ Việt nam những mặt hàng truyền thống như nông thủy sản, dệt may, da giày… và cả những mặt hàng mới mà trước kia chưa nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời muốn chuyển giao cho Việt Nam các công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực…
Thông qua Diễn đàn, các doanh nghiệp sẽ giải đáp các thắc mắc và tư vấn trực tiếp, cùng với đó sẽ được cung cấp thêm những thông tin thực tiễn và tư vấn về thị trường, các cơ hội kinh doanh, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hai nước khi tham gia xuất nhập khẩu, đầu tư, kết nối doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu của hai nước, giúp mở rộng và kết nối với thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu vốn là thị trường truyền thống của Việt Nam. Được biết, Diễn đàn trực tuyến ngày hôm nay chỉ là khởi đầu cho chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp giữa Phòng TMCN Belarus và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau sự kiện hai đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp của cả hai nước.
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?