Tin tức & Sự kiện

Bàn về chuẩn CTĐT ngành Kế toán với các trình độ của GDĐH

Bộ GDĐT cùng Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) mới đây đã đồng tổ chức Tọa đàm chuẩn bị xây dựng chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Kế toán đối với các trình độ của GDĐH. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đào tạo ngành Kế toán cùng một số chuyên gia, nhà tuyển dụng.

Nhiều thuận lợi
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH Đặng Quang Việt cho biết, Chính phủ giao Bộ GDĐT thẩm định xây dựng Chương trình khung các trình độ của GDĐH. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình khung cho các ngành và khối ngành đào tạo, trong đó có ngành Kế toán.
Ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH phát biểu tại Tọa đàm
Ông Việt nhận định: “Số lượng cơ sở GDĐH đào tạo ngành Kế toán thuộc nhóm cao nhất nhì Việt Nam hiện nay. Với bề dày lịch sử, tính hội nhập cao, chuẩn mực quốc tế rõ ràng và kinh nghiệm quốc tế xây dựng chuẩn phong phú, Kế toán là ngành hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng chuẩn CTĐT”.
Từ khi Luật GDĐH năm 2012 ra đời, với quyền tự chủ, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo ban hành các CTĐT theo đặc thù riêng. Do đó, trong hệ thống GDĐH Việt Nam, tuy cùng đào tạo ngành Kế toán nhưng mỗi trường có các chuẩn đầu ra khác nhau, tùy thuộc vào năng lực, định hướng và điều kiện riêng. “Đây là một điểm yếu mà chúng ta cần khắc phục”, ông Việt nhấn mạnh.
Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhấn mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH. Luật quy định, Bộ GDĐT có trách nhiệm thẩm định, ban hành chuẩn CTĐT tối thiểu chung, nhằm thống nhất chuẩn đầu ra trong toàn hệ thống, để tất cả các cơ sở GDĐH thực hiện. Chuẩn CTĐT này đồng thời là căn cứ để kiểm định, đánh giá và công nhận chuẩn đầu ra.
Ông Đặng Quang Việt cho biết, chậm nhất tháng 9/2020, Vụ GDĐH phải tham mưu Bộ ban hành Thông tư chuẩn CTĐT đối với các trình độ của GDĐH.
Dự kiến, các Bộ sẽ ban hành kế hoạch, hướng dẫn, sau đó, thành lập Hội đồng tư vấn khối ngành và bắt đầu xây dựng chuẩn CTĐT theo phân công, trước tháng 12/2020.
Tiếp thu kinh nghiệm xây dựng chuẩn CTĐT ngành Kế toán của Malaysia và ICEAW, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ về các tiêu chí cần thiết để chuẩn CTĐT ngành Kế toán, cũng như tính toán mức độ chi tiết để bảo đảm quyền tự chủ và “thương hiệu” của các cơ sở GDĐH.
Tọa đàm cũng trao đổi về trách nhiệm của các bên liên quan (quản lý nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, cơ sở GDĐH), đồng thời, xác định nội dung, lộ trình từng bước cụ thể xây dựng, hoàn thiện chuẩn CTĐT cho ngành Kế toán.
Quá trình này sẽ là nền tảng, làm cơ sở xây dựng hệ thống tài liệu, văn bản hướng dẫn về xây dựng chuẩn CTĐT cho ngành Kế toán và là kinh nghiệm quý báu để tiếp tục triển khai xây dựng chuẩn CTĐT cho các ngành, nhóm ngành khác.
Đồng thuận cao
Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, đa số đều ủng hộ với chủ trương chung và đồng thuận với lộ trình, định hướng đặt ra.
Các ý kiến thảo luận tại Tọa đàm bày tỏ sự đồng thuận cao với lộ trình, định hướng xây dựng chuẩn CTĐT ngành Kế toán
Đại diện ICEAW, bà Đặng Thị Mai Trang chia sẻ: “Dù đào tạo theo hướng học thuật hay theo hướng thực hành nghề nghiệp, mục tiêu cuối cùng của các trường ĐH và các tổ chức nghề nghiệp đều nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội, của ngành kinh tế, đủ năng lực bắt đầu ngay với công việc sau khi tốt nghiệp”.
Theo bà Trang, với sự ra đời của các tổ chức nghề nghiệp, các chuẩn đầu ra và yêu cầu nghề nghiệp đã được hình thành rõ ràng hơn.
Đặc biệt, Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Theo kế hoạch, việc triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam sẽ được áp dụng bắt buộc từ sau năm 2025.
“Theo đó, sinh viên hiện nay - nguồn nhân lực tương lai thực hiện IFRS, chắc chắn phải đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, cao hơn, thậm chí có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào. Chuẩn đầu ra, thiết kế các môn học cũng sẽ rất khác, theo hướng tiệm cận với khu vực và quốc tế.”, ông Đào Thanh Bình, Trưởng Bộ môn Quản lý Tài chính, Viện Kinh tế và Quản lý, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích.
Theo ông Bình, chủ đề tọa đàm được tất cả các cơ sở đào tạo ngành Kế toán quan tâm, để các bên cùng thảo luận, thống nhất, làm sao đào tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu đơn vị sử dụng lao động.
Ông Đinh Thế Hùng, Phó Viện trưởng Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá cao Bộ GDĐT đã tiến hành tổ chức xây dựng khung chuẩn CTĐT Kế toán cho các trường ĐH.
Theo ông Hùng, đây là chủ trương này đúng đắn, cần thiết, kịp thời và phù hợp với Luật GDĐH. Các trường có thể thiết lập được các CTĐT đặc thù nhưng vẫn đạt chuẩn cơ bản. Từ đó, các trường có thể công nhận CTĐT lẫn nhau, tiến tới trao đổi sinh viên trong cùng ngành, hướng đến đảm bảo kiểm định theo chuẩn quốc tế, trao đổi sinh viên quốc tế.
Kế toán là một nghề có tính chất chuyên môn nghề nghiệp rất cao, thế giới đã xây dựng chuẩn nghề nghiệp. Tuy nhiên, trường ĐH Việt Nam đang tự xây dựng CTĐT riêng mang phong cách, đặc thù của từng trường, mà chưa có căn cứ nào để đánh giá mức độ phù hợp. “Vì vậy, nếu xây dựng thành công chuẩn CTĐT, sẽ có cơ sở liên quan đến xây dựng mạng lưới, phân tầng GDĐH, giúp các trường nhìn lại xem mình đang đứng ở đâu để cải tiến”, ông Hùng nhìn nhận.
Đóng góp ý kiến để xây dựng chuẩn CTĐT ngành Kế toán, ông Đinh Thế Hùng cho rằng yếu tố quyết định chính là sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, ở đây là Bộ GDĐT và Bộ Tài chính; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp với các trường đại học trong quá trình thiết lập chuẩn CTĐT ngành Kế toán hiện nay. Tài nguyên về học liệu, cơ sở vật chất, cũng là yếu tố quan trọng, cần được tính toán, chuẩn bị.
Ông Hùng mong muốn, Viện Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có thể tham gia vào quá trình xây dựng chuẩn CTĐT ngành Kế toán và sẽ có sự phối hợp chặt chẽ của các trường trong khối ngành để quá trình thiết kế, triển khai hiệu quả nhất.
Bà Phan Thị Anh Đào, Trưởng Khoa Kế toán Kiểm toán cho biết, từ năm 2012 đến nay, Học viện Ngân hàng đã xây dựng và hoàn thiện chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo, trong đó có ngành Kế toán; đồng thời, rà soát thường niên.
“Định hướng xây dựng chuẩn CTĐT cho toàn hệ thống là cấp thiết, phù hợp bối cảnh hiện nay. Tất nhiên, chuẩn này vẫn đảm bảo sự linh hoạt cho từng trường để phát huy tính tự chủ và đáp ứng tốt hơn với phân khúc thị trường mà họ hướng tới”, bà Đào nhận định.
Học viện Ngân hàng đã kết hợp với ICEAW xây dựng CTĐT theo hướng quốc tế hóa, lồng ghép kiến thức của tổ chức nghề nghiệp này. Nhờ đó, ngoài kiến thức của kế toán Việt Nam, sinh viên được tích hợp trang bị thêm hầu hết kiến thức chung theo IFRS. Sinh viên có khả năng nắm bắt, hiểu biết, xử lý, cũng như áp dụng, sau này ra trường chỉ cần học thêm một số môn để có thể thi đạt chứng chỉ nghề nghiệp.
Hiện lứa sinh viên đầu tiên được đào tạo theo hướng quốc tế hóa của Học việc Ngân hàng đang học năm thứ ba. “ICEAW theo sát và đánh giá tốt kiến thức chuyên môn và kĩ năng tiếng Anh của các em bởi đầu vào đã đạt IELTS 5.5, sau đó tăng dần trong quá trình học. Các công ty kiểm toán lớn cũng đánh giá tốt về chương trình đào tạo này, do đó, sinh viên theo học và đảm bảo chuẩn đầu ra sẽ có rất nhiều lợi thế, cơ hội”, bà Đào chia sẻ.
Ông Mai Ngọc Anh, Trưởng Khoa Kế toán, Học viện Tài chính nhận định, căn cứ chuẩn CTĐT là cam kết với xã hội, các trường có thể đặt ra chuẩn CTĐT cao hơn để đáp ứng phân khúc thị trường cụ thể.
“Có rất nhiều cấp độ để sinh viên phát huy nghề nghiệp. Khi xây dựng chuẩn CTĐT, cần phải tính toán đến xu thế không ai làm kế toán suốt đời mà có thể sử dụng tư duy kế toán để phát triển sự nghiệp”, ông Ngọc Anh đề nghị.
 
Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales là tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế lâu đời nhất với hơn 140 năm, gồm các thành viên chuyên nghiệp hàng đầu thế giới nhằm thúc đẩy, phát triển và hỗ trợ hơn 180.000 kế toán viên và sinh viên trên toàn thế giới. Từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam vào năm 2015, ICEAW đã không ngừng hiện thực hóa cam kết đóng góp vào sự phát triển của ngành Kế toán - Kiểm toán Việt Nam. 
Trung tâm Truyền thông Giáo dục
Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?