Tin tức & Sự kiện

PGS.TS Bùi Huy Nhượng: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xác định nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xác định bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục là chiến lược nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, lấy việc đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức quốc tế uy tín là mục tiêu cụ thể cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Năm vừa qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục duy trì trên bảng xếp hạng chung theo THE Impact Rankings. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện xếp hạng theo THE Impact Rangkings, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tham gia xếp hạng THE World University Ranking và QS”.
Đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức quốc tế uy tín là mục tiêu
Phóng viên: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được xếp vào tốp 101-200 trong Bảng xếp hạng đại học THE Impact Rankings của Times Higher Education 2022, trong năm 2023 nhà trường có thêm những thành tích gì trong bảng xếp hạng thế giới? Mục tiêu thời gian tới trường Đại học Kinh tế Quốc dân tham gia xếp hạng thế giới như thế nào thưa ông?
PGS.TS Bùi Huy Nhượng: Phải khẳng định rằng việc tham gia bảng xếp hạng THE Impact Rankings của Times Higher Education nằm trong chiến lược phát triển nhằm nâng cao vị thế và uy tín của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong khu vực và trên thế giới.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 
Trước hết chúng ta cần hiểu đúng và đầy đủ hơn về xếp hạng này. THE University Impact Rankings là bảng xếp hạng các trường đại học dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong 4 lĩnh vực gồm Research (nghiên cứu), Stewaship (quản lý), Outreach (tiếp cận) và Teaching (giảng dạy). Khi tham gia xếp hạng, các trường đại học sẽ lựa chọn kết hợp giữa điểm số của Mục tiêu số 17 với 3 Mục tiêu khác để tính tổng điểm. Ngoài xếp hạng chung, THE cũng thực hiện xếp hạng các trường đối với từng mục tiêu.
Năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lần đầu tiên tham gia bảng xếp hạng này ở 4 mục tiêu gồm Mục tiêu 16: Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh; Mục tiêu 8: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; Mục tiêu 17: Hợp tác vì các mục tiêu phát triển và Mục tiêu 1: Xóa nghèo.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã được ghi nhận trong các tiêu chí về quản trị nội bộ và hợp tác cùng các cơ quan quản lý tại Mục tiêu 16: Hoà bình, công bằng và thể chế vững mạnh, với điểm số 71,8/100. Kết quả trong nhóm 101-200 cũng là thứ hạng cao nhất trong các Trường đại học tại Việt Nam trong mục tiêu này năm 2022.
Bên cạnh Mục tiêu 16, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng được đánh giá cao trong các tiêu chí thuộc Mục tiêu 8: Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững với thứ hạng 201-300.
Kết quả này một lần nữa nhấn mạnh những nỗ lực của Nhà trường trong công tác kiến tạo môi trường làm việc, tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; đồng thời cũng góp phần cho kết quả xếp hạng chung (nhóm 601-800) của Trường.
Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục duy trì trên bảng xếp hạng chung theo THE University Impact Ranking như năm 2022.
Chúng tôi hy vọng sẽ lan tỏa được những giá trị phát triển bền vững không chỉ trong nội bộ cơ sở giáo dục đại học, mà còn sâu rộng hơn trong cộng đồng thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục thực hiện xếp hạng theo THE University Impact Rangkings, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tham gia xếp hạng THE World University Ranking và QS.
Phóng viên: Được biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là Trường đại học duy nhất trong khối ngành kinh tế có 19 chương trình học đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế ACBSP và cũng là Trường có chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế ACBSP nhiều nhất tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ kế hoạch, chiến lược thực hiện để đạt được thành tích này của nhà trường như thế nào?
PGS.TS Bùi Huy Nhượng: Để đạt được kết quả về kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo nói chung, cũng như kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ACBSP nói riêng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có một kế hoạch chiến lược cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục.
Trước hết, về mục tiêu chiến lược, chúng tôi xác định bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, lấy việc đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của các tổ chức quốc tế uy tín là mục tiêu xuyên suốt cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Thư viện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Để thực hiện mục tiêu trên, trong các hoạt động về tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, các hoạt động hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ sinh viên và kết nối với cộng đồng… Nhà trường đều cụ thể hóa thành các mục tiêu, giải pháp và các tiêu chí cụ thể cho công tác bảo đảm và nâng cao chất lượng.
Công tác kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ACBSP (Hoa Kỳ) được lãnh đạo Trường chỉ đạo triển khai từ năm 2017.
Năm 2022, sau một hành trình với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao của đội ngũ quản lý, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên, 11 chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn và đến năm 2023 có thêm 8 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn theo ACBSP.
Bên cạnh kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn ACBSP của Hoa Kỳ, Nhà trường đang triển khai kiểm định 15 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn FIBAA (Thụy Sĩ) và 16 chương trình đào tạo đã đạt chuẩn theo bộ tiêu chuẩn được ban hành tại Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang khẳng định cách tiếp cận chiến lược về công tác bảo đảm chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục là phù hợp, đáp ứng được các mục tiêu chung của Nhà trường.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, năm 2024, chúng tôi sẽ từng bước triển khai kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của tổ chức AACSB, Hoa Kỳ. Đây là tổ chức kiểm định cấp cơ sở giáo dục trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh có uy tín số 1 trên thế giới.
Có thể nói để đạt được thành tích trong công tác kiểm định quốc tế, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Hội đồng trường, sự quyết tâm của Lãnh đạo Trường là sự tham gia quyết liệt và đồng bộ của các tổ chức, đơn vị và viên chức trong Trường.
Nâng cao chất lượng giáo dục là yếu tố cốt lõi
Phóng viên: Để được công nhận chất lượng chương trình đào tạo khu vực hoặc quốc tế, các trường đại học cần đầu tư như thế nào thưa ông?
PGS.TS Bùi Huy Nhượng: Trước hết, phải khẳng định các tổ chức kiểm định dù là của Việt Nam hay các nước khác thì đều chia sẻ những nguyên lý chung về quản trị đại học, về bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xác định đầu tư vào bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục là yếu tố cốt lõi, quyết định đến việc thành công trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Tiếp theo, thực hiện công tác kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như ACBSP hay FIBAA là quá trình thực hiện tự đánh giá và cung cấp minh chứng cần thiết để chứng minh việc đáp ứng chuẩn chất lượng của họ; đòi hỏi mỗi Trường cần có sự quyết tâm và nhất quán trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Chúng tôi cho rằng trong quá trình điều hành các hoạt động của trường cần nhìn nhận từ góc độ bảo đảm và nâng cao chất lượng trong quản trị đại học, trong bảo đảm chất lượng giáo dục về hệ thống, trong bảo đảm chất lượng về các hoạt động chức năng, cũng như bảo đảm chất lượng về các kết quả đầu ra của Nhà trường.
Phóng viên: Hiện nay, nhà trường có bao nhiêu chương trình đào tạo? Chiến lược đào tạo trong thời gian tới của nhà trường như thế nào để giữ vững vị trí đơn vị đào tạo kinh tế trọng điểm hàng đầu của Việt Nam?
PGS.TS Bùi Huy Nhượng: Hiện nay ở bậc đại học Trường đang đào tạo 37 chương trình chuẩn học bằng tiếng Việt, 7 chương trình định hướng ứng dụng (POHE) và 16 chương trình học bằng tiếng Anh. Ngoài ra, Trường còn đào tạo các chương trình Tiên tiến và chương trình Chất lượng cao.
Trong thời gian tới, Trường dự kiến sẽ nghiên cứu mở thêm một số ngành học mới như ngành Khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, an toàn thông tin và quan hệ lao động.
Trong chiến lược phát triển, Trường luôn đặt vấn đề bảo đảm chất lượng lên hàng đầu để góp phần giữ vững là đơn vị đào tạo trọng điểm hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Một số nhóm giải pháp mà Trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai bao gồm:
Thứ nhất, thực hiện bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục thông qua nâng cao chất lượng tuyển sinh, công tác tổ chức đào tạo, đặc biệt là chú trọng việc rà soát và cải tiến chất lượng giáo dục thông qua đổi mới về mô hình và phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường đã và đang tích cực triển khai mô hình giảng dạy lecture/seminar.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động của nhà trường, trong đó chú trọng tính hệ thống trong công tác quản trị, hoàn thành hệ thống phòng học thông minh, hệ thống giám sát với ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng đội viên chức, người lao động, trong đó đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên thông qua công tác tuyển dụng, công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ. Trường chỉ tuyển dụng đội ngũ giảng viên tu nghiệp tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển; đồng thời hàng năm đưa họ quay trở lại các nước phát triển để tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Thứ tư, Trường tích cực nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, năng lực tài chính, và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập. Chú trọng nâng cấp thư viện và cơ sở dữ liệu, coi đây là hoạt động trọng tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong về chính sách, chiến lược, tổ chức bộ máy, các quy định, quy trình và đội ngũ nhân sự làm công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
Thứ sáu, tiếp tục phát triển và nâng tầm hoạt động của mạng lưới cựu sinh viên, cựu học viên và nghiên cứu sinh. Tích cực kết nối và đóng góp cho cộng đồng, coi việc này là động lực cho sự phát triển của Nhà trường.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Bùi Huy Nhượng!

Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?