Tin tức & Sự kiện

Tọa đàm Góp ý đề nghị xây dựng Nghị định “Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng”

Chiều 15/12/2020, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức tọa đàm với chủ đề: Góp ý đề nghị xây dựng Nghị định “Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng”.

 
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tham dự tọa đàm, về phía đại biểu ngoài trường có ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn trường; các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước; đại diện đến từ các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan quản lý nhà nước; các trường trường đại học, các viện nghiên cứu; các diễn giả, các phóng viên báo chí, truyền hình…
GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc 
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng trường đánh giá, sự phát triển của công nghệ tài chính nhận được sự quan tâm hàng đầu của các tổ chức tài chính quốc tế, các chính phủ, định chế tài chính, các công ty công nghệ và đặc biệt của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công nghệ tài chính tạo ra tác động mang tính đột phá, là động lực chính tạo ra các mô hình kinh doanh mới liên quan đến dịch vụ tài chính. Nhưng đồng thời, công nghệ tài chính cũng đem lại các rủi ro và thách thức mới về nguồn nhân lực, hệ thống đảm bảo an ninh mạng, hệ thống pháp lý. GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của tài chính số nói chung và dịch vụ tài chính số của ngành ngân hàng nói riêng đòi hỏi Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng phải xử lý được 3 rào cản và thách thức gồm: i) thể chế, ii) nguồn nhân lực chất lượng cao, và iii) cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tính chất đặc biệt quan trọng của ngành ngân hàng trong việc cung cấp dịch vụ tài chính và vốn cho phát triển kinh tế đòi hỏi khía cạnh thể chế cho sự phát triển của công nghệ tài chính trong ngành ngân hàng phải được ưu tiên xử lý.
 Ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp trình bày tham luận và phát biểu tại tọa đàm
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã hoàn thành: i) Dự thảo Nghị định - “Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng” và ii) Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách “V/v xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng” để trình Chính phủ xem xét, đánh giá và phê duyệt. Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc rà soát, lấy ý kiến của các bên liên quan, đánh giá các các văn bản này từ góc độ pháp lý để đệ trình Chính phủ thực hiện các bước tiếp theo của quá trình pháp lý liên quan đến ban hành chính sách, văn bản pháp luật tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, bày tỏ mong đợi được lắng nghe những đóng góp trên tinh thần xây dựng chia sẻ từ kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và các ý kiến chuyên gia để Bộ Tư pháp có thể đề xuất chính sách phù hợp. Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Tú cũng cho biết ở góc độ của Bộ Tư pháp sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp để cân nhắc trong quá trình thẩm định Dự thảo Nghị định và tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp. 


Các diễn giả trình bày tham luận tại tọa đàm
Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung chính gồm: đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Cơ chế thử nghiệm sandbox, tiêu chí đánh giá, phê duyệt và cấp giấy phép đối với các đối tượng tham gia sandbox. Cùng với đó là khuôn khổ cho Cơ chế thử nghiệm cần đáp ứng các yêu cầu xử lý các rủi ro, yêu cầu ổn định để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính. Kinh nghiệm của việc ban hành chính sách Cơ chế thử nghiệm ngành Ngân hàng liệu có thể áp dụng cho ngành khác. Đồng thời, cung cấp thông tin về sự đổi mới quy trình trong việc ban hành chính sách Việt Nam đang hướng tới.
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?