Tin tức & Sự kiện

Những lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính trong bối cảnh đại dịch covid 19

Đại dịch Covid 19 bùng phát đã để lại hậu quả chưa từng có trên toàn cầu nói chung và ảnh hưởng tiêu cực đến gần 90% doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, các công ty kiểm toán cũng chịu những tác động đáng kể

Sự bùng phát của đại dịch Covid 19 đã để lại hậu quả chưa từng có trên toàn cầu nói chung và ảnh hưởng tiêu cực đến gần 90% doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, các công ty kiểm toán cũng chịu những tác động đáng kể dẫn đến những sự thay đổi mang tính cốt lõi trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC).
Sự thay đổi trong phương pháp kiểm toán, cách thức đánh giá rủi ro, cách thức thu thập bằng chứng kiểm toán… bắt nguồn từ những thay đổi trong chính sách của nhà nước; sự dịch chuyển trong chiến lược kinh doanh; quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp.
Xét về mặt bản chất, cuộc kiểm toán BCTC được diễn ra với 3 giai đoạn: chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán và kết thúc kiểm toán. Trong mỗi giai đoạn của cuộc kiểm toán, các công việc được kiểm toán viên (KTV) thực hiện đã có những thay đổi đáng kể từ sự ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính trong bối cảnh đại dịch covid 19
 
Do dịch bệnh bùng phát ở nhiều khu vực trên cả nước đã làm cho nhiều hoạt động kinh doanh được vận hành dưới mức bình thường, sự sụt giảm trong nguồn thu của các doanh nghiệp của nền kinh tế, lạm phát tăng cao đã làm cho các nhân tố tác động đến rủi ro gia tăng. Tính từ thời điểm cuối năm 2021, sự xuất hiện của biến thể Omicron với tốc độ lây lan chóng mặt đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và công việc của người lao động. Số lượng nhân viên nghỉ làm vì bị nhiễm bệnh có thể gây ra những lỗ hổng lớn trong qui trình kiểm soát nội bộ, từ đó làm gia tăng các sai phạm trọng yếu trong các hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, KTV cần lưu ý khi thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp để đánh giá những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh và rủi ro hình thành từ những những chốt kiểm soát bị thiếu hụt trong qui trình kiểm soát nội bộ của khách thể kiểm toán.
Trách nhiệm của KTV là đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC xét trên các khía cạnh trọng yếu. Theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, KTV xác định chỉ tiêu làm căn cứ xác định mức trọng yếu dựa vào: Các khoản mục trên BCTC mà người sử dụng thường quan tâm; Đặc điểm hoạt động kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, đặc điểm ngành nghề và môi trường kinh doanh mà đơn vị đang hoạt động; Cơ cấu sở hữu vốn của đơn vị được kiểm toán và cách thức đơn vị huy động vốn và Khả năng thay đổi tương đối của tiêu chí đã được xác định. Chẳng hạn, Tổng công ty hàng không Việt Nam là một tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, khi kiểm toán BCTC cho khách hàng này, KTV thường sử dụng chỉ tiêu gốc là lợi nhuận trước thuế để tính mức trọng yếu vì sự ổn định của nó và sự quan tâm của những người sử dụng thông tin trên BCTC. Tuy nhiên, đại dịch covid 19 đã làm phá vỡ việc đạt được các mục tiêu chiến lược của Vietnamairlines trong năm 2020 và 2021, cụ thể lợi nhuận trước thuế âm; doanh thu sụt giảm mạnh so với nhiều năm trước đại dịch, vì vậy tiêu chí xác định trọng yếu cần thay đổi để đảm bảo việc xác định nội dung kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán hiện hành.
Theo qui định nghề nghiệp, ý kiến KTV đưa ra cần dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp. Trong quá trình kiểm toán, KTV có thể sử dụng các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán linh hoạt để thực hiện công việc này. Tuy nhiên, những khó khăn hình thành do sự ảnh hưởng từ đại dịch covid đã làm cho việc sử dụng các bằng chứng kiểm toán trở nên khó khăn hơn. Trong nhiều trường hợp, KTV có thể không được tiếp cận được với tài sản của khách hàng để thực hiện kiểm kê như hạn chế trong việc đi lại hay giãn cách xã hội theo chỉ thị của Nhà nước, điều này gây ra áp lực cho KTV khi đánh giá sự tồn tại thực tế của những tài sản hữu hình. Một trong những cách để hỗ trợ KTV trong trường hợp này là sử dụng công nghệ, chẳng hạn KTV có thể sử dụng các phương tiện truyền dữ liệu từ xa như video call, icount để đảm bảo KTV có thể theo dõi toàn bộ không gian, quá trình theo dõi và kiểm đếm tài sản hữu hình không bị ngắt quãng và trực quan nhất có thể.
Diễn biến của dịch bệnh và những hệ lụy của nó có thể xuất hiện những điểm bất thường và rất khó dự đoán sự ảnh hưởng của chúng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu trong việc kiểm soát dịch bệnh hiện nay, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Hồng Kông, Việt Nam… đã thực hiện khá nhiều các biện pháp để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, mặt trái của những biện pháp này là sự thiếu hụt trong dòng tiền hay đứt gãy chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của nhiều doanh nghiệp. Rủi ro kiểm toán hoàn toàn có thể xảy ra khi KTV đưa ra những nhận định sai lầm về tình hình tài chính của đơn vị nếu đơn vị được kiểm toán không phản ánh đầy đủ các sự kiện sau kỳ ảnh hưởng đến BCTC, không thuyết minh đầy đủ các sự kiện sau kỳ và đặc biệt là khả năng hoạt động liên tục của tổ chức. Khi cung cấp các dịch vụ đảm bảo, KTV không chỉ hướng đến lợi ích của khách hàng, mà họ còn đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên khi sử dụng kết quả kiểm toán về BCTC. Để có thể đưa ra những nhận định xác đáng tính đến thời điểm lập báo cáo kiểm toán, KTV cần xem xét và đánh giá đầy đủ các thông tin thuyết minh liên quan đến các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục đặc biệt là các cam kết và nghĩa vụ tiềm tàng.
Vấn đề cuối cùng cần được đề cập đó là các lưu ý cần được trình bày trên báo cáo kiểm toán. Theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, KTV cần trình bày các thông tin thuộc đoạn “Vấn đề khác” hay “Vấn đề cần nhấn mạnh” nhằm thu hút sự chú ý của người đọc đến các nội dung mà theo xét đoán nghề nghiệp của KTV có ảnh hưởng trọng yếu đến quyết định của người dùng thông tin. Tính từ năm 2020 cho đến nay, sự ảnh hưởng không chắc chắn hoặc những ảnh hưởng đáng kể của đại dịch Covid 19 đã gây ra thiệt hại về kinh tế đến nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, KTV cần thận trọng xét đoán và đưa ra những lưu ý trên kết luận kiểm toán giúp cho người đọc có những thông tin đầy đủ và kịp thời để đưa ra những quyết định kinh tế phù hợp.
Đại dịch covid 19 xảy xa và gây ra rất nhiều hậu quả bất ngờ cho toàn thế giới, và tính đến đầu tháng 3/2022, WHO vẫn chưa công bố thời điểm đại dịch kết thúc, hơn nữa, trong tương lai có thể tiếp tục xảy ra những dịch bệnh mới. Do đó, để chủ động sẵn sàng đối phó với những ảnh hưởng đó, KTV cần thiết lập các phương án kiểm toán phù hợp để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Nguyễn Thị Lan Anh - Nguyễn Thị Mỹ
Viện Kế toán - Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?