Tin tức & Sự kiện

Giá xăng dầu giảm có tác dụng quan trọng trong kiềm chế lạm phát

(TBTCVN) - Giá xăng dầu giảm sẽ có tác dụng quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát; đồng thời có thể sẽ “trung hòa” phần nào áp lực đối với lạm phát cơ bản do việc nới lỏng tiền tệ, thông qua việc giảm đồng loạt các mức lãi suất.

 
Giá xăng dầu giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách trong năm 2020.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN về tác động của giá dầu giảm tới nền kinh tế Việt Nam, GS.TS. Trần Thọ Đạt - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, giá xăng dầu giảm sẽ có tác dụng quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát; đồng thời có thể sẽ “trung hòa” phần nào áp lực đối với lạm phát cơ bản do việc nới lỏng tiền tệ, thông qua việc giảm đồng loạt các mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vừa áp dụng. 
PV: Hiện giá dầu trên thế giới đã giảm mạnh, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Ông có nhận định gì về tình hình này? 
GS. Trần Thọ Đạt: Thị trường dầu mỏ gần 2 tuần qua đã ghi nhận giá dầu thô có lúc đã giảm hơn 30% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991, cả dầu Brent và WTI đều về đáy 4 năm và giao dịch quanh 30 USD/thùng. Có một số nguyên nhân chính dẫn tới “cơn lũ” giảm giá dầu này. Thứ nhất, sau thỏa thuận ổn định giá giữa Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với Nga thất bại, đã có một cuộc chiến giá cả gay gắt giữa Nga và Ả Rập Xê Út, cuộc chiến giành thị phần của các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã ngày một leo thang. Thứ hai, đại dịch Covid-19 kéo tụt nhu cầu về nhiên liệu máy bay, xăng và dầu diesel, giờ đây là lệnh phong tỏa, cấm đi lại, ngừng các chuyến bay giữa châu Âu và Mỹ, giữa nhiều nước khác. Lệnh đi lại hạn chế và phong tỏa ở một số nước, một số địa phương đã làm tê liệt nhu cầu đi lại, có thể nói đã tạo nên một kịch bản xấu chưa có tiền lệ đối với thị trường dầu.
Việc các nước OPEC quyết định tăng sản lượng dầu trong thời gian tới sẽ tạo nên nguy cơ xuất hiện nguồn dầu cực lớn đổ vào thị trường vốn đã thừa khi nhu cầu giảm mạnh trong thời kỳ bùng phát Covid-19 và dự kiến giá dầu khó có thể phục hồi trong thời gian tới. 
PV: Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô. Vậy theo ông, sự biến động của giá dầu thô này có tác động thế nào tới thu ngân sách và tổng thể nền kinh tế? 
GS.TS Trần Thọ Đạt - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
GS. Trần Thọ Đạt: Đối với nước ta, việc giá dầu thô thế giới lao dốc trong vài ngày qua và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách trong năm 2020. Dự toán ngân sách mặc dù xây dựng trên cơ sở giá dầu thô là 60 USD/thùng nhưng do số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm 3% tổng thu ngân sách, nên mức tác động không nhiều. Hơn nữa, theo thông tin từ Bộ Tài chính thì nguồn thu trong 2 tháng từ dầu thô đã bằng 32% dự toán, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2019 (do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam thanh toán bình quân 2 tháng vẫn duy trì ở mức 68 USD/thùng). Một điểm đáng lưu ý nữa là các mỏ dầu chính của ta đã đạt đỉnh khai thác nên xu hướng là nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ sẽ ngày càng giảm nếu trong thời gian tới nước ta chưa đầu tư khai thác mỏ dầu mới.
Trên phương diện nền kinh tế, việc giá xăng giảm còn hơn 16 nghìn đồng/lít theo đà giảm của giá xăng dầu thế giới làm cho trước hết là người tiêu dùng được hưởng lợi trong bối cảnh thu nhập của nhiều người lao động bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giá xăng dầu là một đầu vào quan trọng của nền kinh tế, giảm giá xăng dầu sẽ có tác dụng quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát (lạm phát 2 tháng đầu năm đã ở mức 5,91%, cao hơn nhiều so với một vài năm trước), đồng thời có thể sẽ “trung hòa” phần nào áp lực đối với lạm phát cơ bản do việc nới lỏng tiền tệ thông qua việc giảm đồng loạt các mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vừa áp dụng. 
Trong phân tích kinh tế, cú sốc tăng giá xăng dầu được gọi là cú sốc cung, làm tổng cung trong nền kinh tế suy giảm, gây ra suy thoái kinh tế. Khi giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế có tận dụng được cơ hội này và vượt qua được cú sốc “giảm” này hay không còn tùy thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế với việc giảm giá, phụ thuộc vào mức độ gia tăng của tổng cầu. Tôi cho rằng chúng ta đã ứng phó rất tốt với đại dịch Covid-19 nên tác động của đại dịch đối với nền kinh tế đã không lớn như ở các nước khác và do vậy tổng cầu cũng nhiều khả năng hấp thụ được tốt hơn việc giảm giá xăng dầu.
PV: Nếu giá dầu thô tiếp tục giảm xuống tới mức 20 USD/thùng cùng với những tác động của Covid-19 thì kịch bản của kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?
GS. Trần Thọ Đạt: Hiện nay các nhà kinh tế đang đưa ra những dự báo rất khác nhau về triển vọng của nền kinh tế thế giới do tác động của Covid-19 và giá dầu sụt giảm. 
Về giá dầu trong thời gian tới, kịch bản “nếu giá dầu thô tiếp tục giảm xuống tới mức 20 USD/thùng” hiện là một trong những kịch bản nhiều khả năng xảy ra, vì đã xuất hiện một số nhận định cho rằng đây là một xu hướng trông thấy khi giá dầu đang hướng đến mức thấp nhất kể từ năm 2003. Khi đó, cùng với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, việc sụt giảm giá dầu xuống mức 20 USD/thùng sẽ làm cho ngành sản xuất và kinh doanh dầu mỏ gần như sụp đổ và tác động kinh tế thực sự sẽ mạnh hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. 
Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn hội nhập kinh tế rất sâu và rộng, FDI và xuất khẩu đang là những động lực tăng trưởng chính. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tích đáng ca ngợi trong cuộc chiến chống Covid-19, nhờ đó các tác động tiêu cực về kinh tế cũng đã được hạn chế, nhưng khi những cục diện bất lợi mới trên toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng, chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn và các kịch bản về kinh tế cần phải được tính toán lại.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam
Các tin khác:

Liên kết nhanh

VIỆN KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN

Liên hệ với chúng tôi
1
Bạn cần hỗ trợ?